Nghệ thuật sáng tạo và mỹ thuật Nghệ_thuật

Một cái bình Rwanda thế kỷ 20. Ngoài giá trị trang trí ra, các tác phẩm nghệ thuật có thể có ứng dụng thực tế.

Nếu lấy một nghĩa rộng về nghệ thuật,[7] thì những tác phẩm nghệ thuật đã tồn tại từ thuở khai sinh loài người: từ nghệ thuật thời tiền sử cho đến nghệ thuật đương đại; tuy nhiên, một số lý thuyết giới hạn khái niệm nghệ thuật vào những xã hội hiện đại ở phương Tây.[9] Nghĩa đầu tiên và rộng nhất về nghệ thuật là nghĩa gần nhất với nghĩa La-tinh cũ mà có thể dịch nôm na là "kỹ năng" hay "sự khéo léo". Những từ tiếng Anh bắt nguồn từ nghĩa này của từ art bao gồm artifact (đồ tạo tác), artificial (nhân tạo), artifice (tài khéo léo), medical arts (kỹ thuật y khoa), và military arts (nghệ thuật quân sự). Tuy nhiên, trong cách dùng hàng ngày, từ art có nhiều nghĩa khác, và chỉ một số là liên quan đến nghĩa từ nguyên của nó.

Nghĩa thứ hai và gần đây hơn của từ art (nghệ thuật) như một cách viết tắt của creative art (nghệ thuật sáng tạo) hay fine art (mỹ thuật) ra đời từ đầu thế kỷ 17.[10] Fine art chỉ một kỹ năng được sử dụng để diễn tả sự sáng tạo của người nghệ sĩ, hay để khơi gợi cảm quan thẩm mỹ ở khán giả, hay để khiến khán giả để tâm đến những thứ hay, đẹp hơn.

Với nghĩa thứ hai này, "nghệ thuật" có thể có những nghĩa sau: một nghiên cứu về một kỹ năng sáng tạo, một quá trình sử dụng kỹ năng sáng tạo đó, một sản phẩm của kỹ năng sáng tạo đó, hay trải nghiệm của người thưởng lãm về kỹ năng sáng tạo đó. Những môn nghệ thuật sáng tạo (nghệ thuật với tư cách là một lĩnh vực) là một tập hợp những môn tạo ra những tác phẩm nghệ thuật (nghệ thuật với tư cách là những vật thể) được tạo ra do động cơ cá nhân (nghệ thuật với tư cách là sự sáng tạo) và mang một thông điệp, tâm trạng, hay biểu tượng để người thưởng ngoạn diễn giải (nghệ thuật với tư cách là một sự trải nghiệm). Nghệ thuật là một cái gì đó kích thích tư duy, cảm xúc, niềm tin, hay ý tưởng của một người thông qua giác quan. Những công trình nghệ thuật có thể được tạo ra cho mục đích này hay được diễn dịch dựa trên những hình ảnh hay vật thể.

Bản chất của nghệ thuật được triết gia Richard Wollheim mô tả như là "một trong những vấn đề xưa nay khó nắm bắt nhất của văn hóa con người".[11] Nghệ thuật được định nghĩa như là phương tiện để diễn đạt hay trao truyền cảm xúc và ý tưởng, một phương tiện để khám phá và thưởng lãm những yếu tố hình thức, hay như sự bắt chước (mimesis) hay thể hiện. Nghệ thuật như là sự bắt chước có nguồn gốc sâu xa trong triết học Aristotle.[12] Goethe định nghĩa nghệ thuật nghệ thuật như là một "cái khác", theo nghĩa là một "tự nhiên thứ hai".[13] Leo Tolstoy xem nghệ thuật là một cách sử dụng những nghĩa phi trực tiếp để truyền đạt từ người này sang người khác.[12] Benedetto Croce và R.G. Collingwood cho rằng nghệ thuật diễn tả cảm xúc, và tác phẩm nghệ thuật do đó tồn tại chủ yếu trong trí tưởng của người sáng tạo.[14][15] Lý thuyết nghệ thuật dưới dạng là một hình thức luận có nguồn gốc trong triết học của Immanuel Kant, và được Roger Fry và Clive Bell phát triển trong đầu thế kỷ 20. Gần đây hơn, các nhà tư tưởng chịu ảnh hưởng của Martin Heidegger đã diễn giải nghệ thuật như là phương tiện mà một cộng đồng phát triển cho chính mình để tạo môi trường cho sự tự thể hiện và sự diễn dịch.[16]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nghệ_thuật http://www.ubc.ca/okanagan/creative/links/arthisto... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/630806/a... http://www.nytimes.com/2011/10/14/science/14paint.... http://oxforddictionaries.com/definition/english/a... http://www.RevolutionArtMagazine.com/ http://witcombe.sbc.edu/ARTHLinks.html http://www.sil.si.edu/digitalcollections/art-desig... http://xtf.lib.virginia.edu/xtf/view?docId=DicHist... http://web.archive.org/web/20081006212330/http://w... //www.worldcat.org/oclc/1077405